Hotline: + 84 (254) 3610 777 - 0905 73 78 79

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã làm chủ 90% công nghệ

Đến tháng 4/2011, 100% công nhân, kỹ sư Việt Nam sẽ đảm trách nhiệm vụ vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất mà không cần sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài như lâu nay. Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ khánh thành vào ngày 24/12, sau khi đã vận hành đạt trên 105% công suất”. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hoài Giang – Tổng giám đốc Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn – đơn vị quản lý và vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, cho biết: Từ giữa tháng 11 đến nay, chúng tôi đã vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi) ở 105% công suất, có khi lên 107%. Có nghĩa là cao hơn công suất thiết kế cực đại 5%-7%, tương đương 1.000 tấn sản phẩm các loại/ngày được sản xuất thêm. Lý do nâng công suất nhà máy vượt 100% là do nhu cầu của thị trường những tháng cuối năm. Sản phẩm sản xuất ra không kịp bán cho các đơn vị đầu mối xăng dầu do hiện có nhiều doanh nghiệp tham gia mua sản phẩm của nhà máy chứ không riêng PV Oil. Để tăng được từ 100% lên 105% công suất, các chuyên gia, kỹ sư đã phải làm việc ngày đêm để nghiên cứu, rà soát, kiểm tra và xem xét một cách đồng bộ, tổng thể. Và chúng tôi đã thành công, hoàn toàn có thể vận hành nhà máy ở 105% công suất mà không ảnh hưởng đến các hệ thống thiết bị, cũng như các dây chuyền công nghệ của nhà máy. Sau thời gian vận hành, theo ông, đến thời điểm này lực lượng kỹ sư của VN đã làm chủ được về mặt công nghệ cũng như vận hành nhà máy? Hiện giờ đội ngũ kỹ sư, công nhân VN tham gia công tác vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã hoàn toàn tự chủ việc vận hành nhà máy, cũng như tiếp cận công nghệ ở mức 90%. Đây là tin vui, khẳng định được năng lực của đội ngũ những người vận hành nhà máy là rất tốt và đầy ấn tượng. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế. Vận hành thì yên tâm nhưng bảo dưỡng các thiết bị nhà máy hoặc xử lý một số vấn đề kỹ thuật phức tạp vẫn còn cần tới chuyên gia của nước ngoài. Chúng tôi có thể khẳng định đến tháng 4 năm sau (2011), 100% công nhân, kỹ sư Việt Nam sẽ đảm trách nhiệm vụ vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất mà không cần sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài như lâu nay. Cách đây không lâu Nhà máy Lọc dầu Dung Quất “ế” hàng, lượng xăng dầu tồn kho rất lớn. Hiện vấn đề này đã được giải quyết đến đâu, thưa ông? Hiện tồn kho của nhà máy đã về ở mức tối thiểu, khoảng 100.000 tấn. So với thời điểm trước giảm nhiều, vì lúc đó có những ngày gần 300.000 tấn, quá tải. Với nỗ lực của nhà máy, kết hợp với các đơn vị kinh doanh xăng dầu lớn trong nước như Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Công ty Thương mại kỹ thuật và đầu tư (Petec) và các đầu mối khác nữa thì vấn đề tồn kho của nhà máy đã được giải quyết. Cho đến nay, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã nhập vào 8 triệu tấn dầu thô và sản xuất 7 triệu tấn sản phẩm các loại, xuất bán ra thị trường 6,8 triệu tấn. Trong 8 triệu tấn dầu thô nhà máy nhập về, tỉ lệ dầu thô trong nước chiếm bao nhiêu phần trăm, thưa ông? Vì sao nhà máy vẫn phải nhập dầu thô nước ngoài về sản xuất, trong khi dầu thô trong nước lại phải xuất? Từ khi đi vào vận hành sản xuất đến nay, chúng tôi nhập 8 triệu tấn dầu thô nhưng không phải toàn bộ đều nhập về từ các mỏ dầu thô trong nước, trong số đó có cả việc nhập khẩu dầu thô từ nước ngoài như Anh chẳng hạn. Cho đến thời điểm này, dầu thô trong nước cung ứng cho nhà máy vẫn đóng vai trò chủ đạo. Hiện chúng tôi nhập tổng cộng khoảng 400.000 tấn dầu thô từ nước ngoài về sản xuất. Thực tế lượng dầu thô ở các mỏ dầu tại Việt Nam vẫn có thể cung cấp đủ cho nhà máy hoạt động với 100% công suất. Tuy nhiên, việc nhập dầu thô từ nước ngoài về là để so sánh hiệu quả kinh tế. Thực tế có đôi lúc nhập dầu thô từ nước ngoài về có khi lợi nhuận không cao bằng nhập dầu thô trong nước nhưng có lúc ngược lại, tùy giá dầu thô từng thời điểm. Đến nay doanh thu của nhà máy đạt trên 53.000 tỉ đồng, đóng góp vào ngân sách nhà nước 9.500 tỉ đồng. Kế hoạch năm sau, mặc dù có hai tháng dừng để bảo dưỡng tổng thể nhà máy nhưng vẫn hết sức lạc quan là doanh thu sẽ đạt 76.500 tỉ đồng và sẽ nộp ngân sách nhà nước là 14.500 tỉ đồng.

(Theo Tuổi Trẻ)